- content:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, Việt Nam đã tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015, đồng thời đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) như VKFTA, CPTPP, EVFTA, RCEP,…Hiện nay, Việt Nam được biết đến là quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động (Emerging Economy) ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Độ mở của nền kinh tế càng lớn, mức độ hội nhập kinh tế càng cao, Việt Nam có nhu cầu ngày càng lớn đối với nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Do đó, việc sở hữu tấm bằng cử nhân Kinh tế quốc tế từ các trường Đại học uy tín cùng với khả năng thông thạo ngoại ngữ sẽ giúp các bạn trẻ có cơ hội cạnh tranh trong xu hướng kinh doanh và lựa chọn nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Nếu bạn có khả năng làm việc độc lập, phân tích và tổng hợp, cùng với kỹ năng giao tiếp, đàm phán quốc tế tốt và biết làm việc nhóm thì bạn đã có một phần chìa khóa thành công trong sự nghiệp cùng với ngành Kinh tế quốc tế. Ngành học của tư duy toàn cầu và am hiểu địa phương
Ngành kinh tế quốc tế là gì? là một ngành đào tạo thuộc nhóm ngành của Kinh tế học, nghiên cứu sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Ngành Kinh tế quốc tế cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức cơ bản và có hệ thống tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng của kinh tế quốc tế là thương mại quốc tế và tài chính quốc tế. Theo học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng về kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, các vấn đề tổng quan và chuyên sâu về Thương mại quốc tế, Đầu tư quốc tế, Tài chính quốc tế, Đàm phán kinh tế quốc tế, Marketing quốc tế,.. trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hình 1. Buổi nói chuyện chuyên đề của Chuyên gia với sinh viên ngành Kinh tế quốc tế, Học viện
Chính sách và Phát triển
Ngoài ra, chương trình đặt trọng tâm phát triển các kỹ năng, công cụ phân tích, quản lý chính sách và nghiệp vụ thực hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong và ngoài nước qua các môn học then chốt như nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, Logistics và vận tải quốc tế,…Cùng với lý thuyết và nghiệp vụ chuyên ngành, sinh viên sẽ được trang bị tiếng Anh chuyên ngành về thương mại quốc tế và thư tín thương mại, và các kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp, giải quyết vấn đề, đàm phán – thương lượng, quản lý và làm việc nhóm.
Ngành kinh tế quốc tế có bao nhiêu chuyên ngành? Tại Học viện Chính sách và Phát triển, ngành kinh tế quốc tế bao gồm 02 chuyên ngành gồm:
- Kinh tế đối ngoại
- Thương mại quốc tế và Logistics
Mục tiêu đào tạo ngành Kinh tế quốc tế:
- Kiến thức cơ bản về kinh tế học, tài chính, các phương pháp phân tích định lượng; phương pháp dự báo kinh tế vĩ mô, kiến thức nền tảng và chuyên sâu về chính sách thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế, kinh doanh quốc tế.
- Kiến thức và kỹ năng liên quan đến các nghiệp vụ về kinh doanh xuất nhập khẩu, Logistics trong doanh nghiệp, đàm phán kinh tế quốc tế, thanh toán quốc tế và Marketing quốc tế.
- Các kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp: Phân tích và giải quyết vấn đề, nghiên cứu và khám phá kiến thức, Tư duy một cách có hệ thống, Quản lý thời gian và nguồn lực cá nhân, làm việc nhóm, giao tiếp tốt, sử dụng tiếng Anh thành thạo.
Các tố chất phù hợp với ngành:
- Yêu thích môi trường làm việc quốc tế
- Có khả năng lãnh đạo, nhanh nhẹn, hoạt bát, giao tiếp tốt
- Năng động, tự tin, quyết đoán
- Có tư duy logic và khả năng tính toán tốt
- Chịu áp lực tốt, thích môi trường cạnh tranh
- Có năng khiếu về ngoại ngữ, đam mê lĩnh vực kinh doanh
Môi trường học tập và rèn luyện? Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế quốc tế tại Học viện Chính sách và Phát triển luôn gắn với thực tiễn đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Hình 2. Đội ngũ giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển
Hơn nữa, với đội ngũ giảng viên được đào tạo tại các trường Đại học nổi tiếng trong và ngoài nước, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn làm việc tại các cơ quan Chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân. Ngoài ra, Học viện Chính sách và phát triển có điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, là ngôi trường có một môi trường học tập thân thiện, năng động, thoải mái, công bằng và minh bạch, luôn đánh giá cao và khen thưởng xứng đáng cho sinh viên có thành tích tốt.
Cơ hội việc làm của ngành kinh tế quốc tế khi ra trường là gì? Sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm việc được tại cả các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:
- Cơ quan Chính phủ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Chuyên viên vụ kinh tế đối ngoại, Cục đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư…), Bộ Tài chính (Chuyên viên vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Kinh tế đối ngoại…), Bộ Công Thương (Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Cục xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên…)
- Cơ quan địa phương: Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và đầu tư: Phòng kinh tế đối ngoại, Cơ quan xúc tiến đầu tư,…
- Cơ quan phi Chính phủ: Các tổ chức quốc tế có văn phòng đại diện ở Việt Nam: UNDP, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...
- Khu vực tư nhân:
- Ngân hàng: Nhân viên thanh toán quốc tế, thu đổi ngoại tệ,…
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI
- Doanh nghiệp trong nước: nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên mua hàng,...
- Quản trị hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ.
- Tham gia điều hành các tập đoàn bán lẻ, các công ty cung ứng dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải biển, đường bộ, đương sắt, đường thủy và đường hàng không, các đại lý hàng không, đại lý vận tải, cảng biển, ICD, cảng hàng không, tổ chức - khai thác - quy hoạch kho hàng, công ty và doanh nghiệp có ứng dụng logistics trong các hoạt động tổ chức khai thác sản xuất của doanh nghiệp
- Ngoài ra, sinh viên có thể tiếp tục học và làm nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các Bộ ngành, trường Đại học,...
THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐỢT 1 NĂM 2021
- Vùng tuyển sinh: Tuyển sinh trong cả nước
- Đối tượng xét tuyển:
- Đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp THPT năm 2021;
- Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;
- Không bị vi phạm pháp luật; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Có hạnh kiểm 3 năm học THPT đạt loại khá trở lên
- Chỉ tiêu: 85 sinh viên cho 02 chuyên ngành
- Chuyên ngành Kinh tế đối ngoại
- Chuyên ngành Thương mại quốc tế và Logistics
- Phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập 03 học kỳ bậc THPT (Xét học bạ)
- Điều kiện xét tuyển: Thí sinh có điểm trung bình cộng của điểm trung bình chung học tập 03 học kỳ (2 Học kỳ lớp 11 và Học kỳ 1 lớp 12) từ 7,0 trở lên
- Cách tính điểm xét tuyển (Làm tròn 2 số thập phân theo nguyên tắc làm tròn toán học) như sau:
Điểm xét tuyến đợt 1 = (TBCHK1 lớp 11 + TBCHK2 lớp 11 + TBCHK1 lớp 12 + điểm ưu tiên nếu có)/3
-
- Điểm ưu tiên: Điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực kế tiếp là 0,25 điểm
- Thời gian xét tuyển đợt 01:
- Thời gian nhận hồ sơ: Từ 01/03/2021 – 31/05/2021
- Thời gian công bố kết quả xét tuyển: Tháng 06/2021
- Học phí: Theo quy định của nhà nước đối với trường công lập. Năm học 2021 – 2022, học phí là: 300.000 đồng/tín chỉ tương đương 9,5 triệu đồng/năm.
- Địa điểm nhận hồ sơ: Nộp trực tiếp (từ ngày 01/04/2021 đến 31/05/2021) tại một trong các địa chỉ sau:
- Địa chỉ 1: Văn phòng tư vấn tuyển sinh – P804, Tầng 8, Tòa nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngõ 7, Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
- Địa chỉ 2: Phòng C202, Tầng 2, Học viện Chính sách và Phát triển, Khu đô thị Nam An Khánh, Xã An Thượng, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội
Địa chỉ liên lạc và giải đáp thông tin tuyển sinh ngành Kinh tế Quốc tế:
Khoa Kinh tế quốc tế, Tầng 2, tòa nhà Giảng đường C
Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
KĐT Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
Tel: (84 – 24) 3795 7350
Fax: (84 – 24) 3556 2392
Website: //z-mech.com/khoa-kinh-te-doi-ngoai