null Workshop “Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Kinh tế số”

content:

Sáng ngày 27/5/2023 tại Hội trường 150 – Học viện Chính sách và Phát triển, Workshop về cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Kinh tế số được tổ chức với sự tham gia của 4 diễn giả chính: Ông Tình Nguyễn – Co Founder Ladipage Việt Nam, Sáng lập MarTech Việt Nam; ông Hà Vũ Phượng – Giám đốc Công ty Giải Pháp Phân Tích Dữ Liệu Insight Data; ông Lê Trung Trực – Giám đốc Học viện Smart Data, MC. Dương Sơn Lâm, Biên tập viên VTV24 của Đài truyền hình Việt Nam.

          Tham dự Workshop có thầy Đàm Thanh Tú - Phó trưởng khoa, phụ trách khoa Kinh tế số; thầy Đỗ Thế Dương, phó Giám đốc phụ trách trugn tâm CNTT, TV&TT; các thầy cô là giảng viên trong khoa và gần 150 học sinh, sinh viên trong và ngoài Học viện.

          Cơ hội nghề nghiệp thực sự là một vấn đề được các bạn trẻ rất quan tâm, nhất là đối với ngành kinh tế số - một ngành mới và có nhiều sức hút hiện nay. Cũng vì sức hút của nó mà mức độ cạnh tranh trong ngành này lại càng cao, áp lực đối với các bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp với mong muốn một công việc hấp dẫn, mức lương đáng mơ ước cũng là điều các bạn trẻ rất quan tâm. Hiểu được vấn đề đó, Lãnh đạo khoa Kinh tế số cùng Ban chấp hành liên chi đoàn Khoa đã quyết định tổ chức Workshop với mong muốn giúp các bạn sinh viên có thêm thông tin về những điều mình còn băn khoăn khi học tập tại Khoa Kinh tế số. Qua đó giúp sinh viên của mình hiểu rõ hơn về con đường mình đang theo học cũng như xác định được nghề nghiệp thật sự phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân.

Cán bộ giảng viên Khoa KTS tặng hoa các diễn giả tham gia sự kiện

           Trong bài tham luận của mình về bối cảnh và xu hướng Đổi mới sáng tạo trên thế giới và tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, ông Tình Nguyễn vẫn nhắc lại tổng quan: Kinh tế số là gì, các bạn có thực sự hiểu thế nào là Kinh tế số, chỉ có hiểu được cái mình đang theo học, thì mới có một định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó ông Tình Nguyễn cũng nhấn mạnh, để cạnh tranh thì phải có sự khác biệt, và công nghệ sẽ giúp cho doanh nghiệp rất nhiều trong phát triển kinh doanh.

Chia sẻ của diễn giả Tình Nguyễn về cơ hội việc làm trong lĩnh vực kinh tế số

          Còn đối với chia sẻ của ông Lê Trung Trực về Nghề phân tích dữ liệu và những kỹ năng cần trang bị, ông có nhấn mạnh: “Phân tích dữ liệu không chỉ là một nghề mà còn là một kỹ năng sẽ được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực của doanh nghiệp”. Do đó ông lưu ý các bạn sinh viên cần rèn luyện, nâng cao các kĩ năng chuyên môn một cách thường xuyên trong quá trình học tập làm việc. Có vậy mới xử lý tốt các tình huống phát sinh, được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Chia sẻ của diễn giả Lê Trung Thực

          Không nhắc quá nhiều tới chuyên môn của nghề phân tích dữ liệu, ông Hà Vũ Phượng lại có những chia sẻ ý nghĩa về các kỹ năng mềm mà các bạn trẻ cần phải học hỏi cũng như chuẩn bị cho bản thân ngay từ bây giờ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Cụ thể ở đây chính là thái độ làm việc. Ông cho biết, nhà tuyển dụng rất chú ý đến thái độ của người lao động, sự ham học hỏi và cầu tiến. Làm hết việc rồi nghỉ sẽ không được đánh giá cao bằng việc học hỏi thêm từ những công việc khác không phải chuyên môn của mình. Có thể không giúp ích cho mình lúc này nhưng trong một trường hợp bất ngờ, kiến thức đó sẽ thực sự có ích. 

Chia sẻ những điều nhà tuyển dụng cần đối với các nhân sự mới của diễn giả Hà Vũ Phượng

          Cuối cùng là chia sẻ đặc biệt truyền cảm hứng của MC Sơn Lâm dành cho các bạn sinh viên. Mặc dù là một người trẻ nhưng anh đã có rất nhiều thành công trong công việc biên tập viên tại VTV24 với rất nhiều phóng sự sắc sảo, mang tính thời sự cao. Do đó, với sự góp mặt của anh trong sự kiện này đã tạo một lực hút rất mạnh đến các bạn sinh viên khoa Kinh tế số. Trong phần trình bày của mình, MC Sơn Lâm đã kể lại những sai lầm thời sinh viên của anh khi đang học Đại học Bách khoa Hà nội và cũng như niềm yêu thích cháy bỏng công việc làm biên tập viên truyền hình thế nào để rồi anh sẵn sàng từ bỏ học bổng Thạc sĩ trong lĩnh vực Hóa dầu tại Hàn Quốc để trở về Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng chia sẻ về ma trận quản lý thời gian của Eisenhower và đặc biệt nhấn mạnh: “Các bạn sinh viên trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, hãy xác định đâu là việc cần làm trước hết, đâu là việc nhất định phải làm. Chỉ khi xác định đúng, con đường mình đi mới sáng rõ”.

Chia sẻ của diễn giả MC Sơn Lâm

          Phần 2 của buổi tọa đàm là hỏi đáp của các bạn sinh viên với diễn giả. Hàng loạt câu hỏi được các bạn sinh viên Khoa Kinh tế số đặt ra đã được các diễn giả trở lời thẳng thắn để giúp các em có sự tin tự, có những định hướng rõ ràng hơn về tương lai nghề nghiệp mình đã chọn cũng như những hành trang tri thức mà các em cần chuẩn bị khi tốt nghiệp để có thể ứng tuyển vào các doanh nghiệp uy tín. Các diễn giả cũng nhấn mạnh rằng sinh viên đi làm đúng ngành hay trái ngành được đào tạo là điều không quá quan trọng hiện nay. Điều quan trọng nhất là các em phải có động lực làm việc tích cực, thái độ làm việc có trách nhiệm, có mục tiêu rõ ràng cụ thể. Chính vì thế, ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần đặt niềm tin vào bản thân, nghiêm túc, học hỏi nhiều hơn để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng để tạo ra thế mạnh riêng, từ đó cơ hội việc làm sẽ được mở rộng.

Các phần giải đáp đầy trí tuệ và cảm xúc của các diễn giả

Có thể nói rằng, workshop “Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Kinh tế số” là một hoạt động thường niên rất ý nghĩa mà các thầy cô Khoa Kinh tế số dành tặng các bạn sinh viên. Qua workshop đã giúp các bạn sinh viên trang bị thêm kiến thức, thông tin, nâng cao hiểu biết về các chương trình đào tạo, cơ hội việc làm và thị trường lao động trong nước và cũng như ngoài nước, từ đó có thể xác định chính xác mục tiêu học tập và có định hướng học tập phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động. Đồng thời, workshop cũng là kênh kết nối sinh viên của Khoa Kinh tế số với các doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm.

Một số hình ảnh khác tại buổi workshop.