Văn bản Đảng ủy Học viện

null Công tác pháp chế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành giáo dục

content:

Hội nghị tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật giáo dục năm 2024.

Ngày 17/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật giáo dục năm 2024.

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Dự và chỉ đạo tại Hội nghị có TS Mai Thị Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), TS Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cùng với hơn 380 đại biểu là lãnh đạo, người làm công tác pháp chế tại các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục Đại học và Trường Cao đẳng Sư phạm trên cả nước.

Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ, phát biểu tại hội nghị, TS Mai Thị Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là Hội nghị Tập huấn thường niên hàng năm để triển khai cụ thể các nhiệm vụ chung về công tác pháp chế ngành giáo dục đối với các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục Đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế, việc nâng cao công tác pháp chế trở thành nhiệm vụ trọng yếu, với nhiều cơ hội lẫn thách thức, chúng ta cần đảm bảo rằng mọi chính sách, quy định pháp luật đều được xây dựng và thực thi một cách nhất quán, toàn diện và kịp thời.

TS Mai Thị Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nêu 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Hướng dẫn năm học 2024 – 2025 về công tác pháp chế mà các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục Đại học, Trường Cao đẳng Sư phạm cần đặc biệt chú trọng thực hiện trong năm học này.

Cụ thể, một là, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế hiện có hoặc xác định rõ việc thành lập mới tại các sở giáo dục và đào tạo và đơn vị sự nghiệp công lập, nơi chưa có tổ chức pháp chế nhưng đã đủ điều kiện theo quy định.

Hai là, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo, cụ thể là: Tổ chức rà soát Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục đại học 2012…; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện Luật Nhà giáo, Chiến lược phát triển giáo dục khi được ban hành và thông qua, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống văn bản nội bộ tại các cơ sở giáo dục Đại học.

Ba là, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Tổ chức đánh giá tác động của việc soạn thảo, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất các Bộ/ngành và cơ quan cấp trên soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời.
Thứ tư là tổ chức tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác truyền thông chính sách từ Trung ương đến địa phương đúng, đủ, phù hợp với tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng và bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2024 – 2025.

Và cuối cùng, là tổ chức tốt việc theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; hoạt động kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nội bộ…; kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực GD&ĐT từ Trung ương đến địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

TS Mai Thị Anh nhấn mạnh: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn xác định công tác pháp chế là nhiệm vụ quan trọng hàng dau của Ngành giáo dục, góp phần hoàn thiện, xây dựng thể chế cho toàn Ngành hoạt động và phát triển.

Vì vậy, Hội nghị Tập huấn hôm nay không chỉ là dịp để chúng ta lắng nghe các chuyên gia mà còn là cơ hội để các đồng chí thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện công tác pháp chế trong thời gian tới. Đây là thời điểm để chúng ta cùng nhìn nhận lại những gì đã làm được, phân tích những hạn chế còn tồn tại, và quan trọng hơn là tìm ra những giải pháp đột phá, giúp công tác pháp chế thực sự trở thành trụ cột hỗ trợ sự phát triển của ngành giáo dục.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Hội nghị được các báo cáo viên báo cáo về một số chuyên đề như: Điểm mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP; Thực tế triển khai các hoạt động liên quan đến tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ sở giáo dục Đại học; Công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời phổ biến về một số quy định về thẩm quyền của Sở GD&ĐT và trách nhiệm của cơ sở giáo dục Đại học về thành lập, cho phép hoạt động cơ sở giáo dục Đại học quy định tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP.

Nhiều điểm mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế

Tại Hội nghị các đại biểu đã được trao đổi thông tin về điểm mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác pháp chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội như chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao; tổ chức pháp chế được thành lập, củng cố và kiện toàn; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng cao; cơ chế phối hợp trong lãnh đạo và triển khai công tác pháp chế từng bước được xác lập, hiệu quả hơn…

TS Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể, chưa quy định cụ thể về tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế tại các cơ sở giáo dục Đại học, vị trí chức năng của tổ chức pháp chế tại các cơ sở giáo dục Đại học và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác pháp chế. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế ngày 18/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 55/2011/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Hữu Bằng - Chuyên gia giáo dục, nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo về Quy trình xây dựng văn bản quản lý nội bộ của đơn vị.

Ngoài ra, một số điểm mới của Nghị định 56/2024/NĐ-CP đối với các cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cụ thể là các Sở GD&ĐT thì quy định rõ ràng việc thành lập tổ chức pháp chế tại cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh. Nếu không đủ điều kiện thành lập Phòng Pháp chế, tổ chức pháp chế có thể được bố trí tại Văn phòng hoặc phòng chuyên môn nghiệp vụ.

Tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn chịu sự kiểm tra về công tác pháp chế của Sở Tư pháp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực “Định kỳ hằng năm xây dựng báo cáo trình Thủ trưởng cơ quan gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình UBND cấp tỉnh về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bổ sung nhiệm vụ phối hợp với Sở Tư pháp để quản lý nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Ngoài ra, tiêu chuẩn pháp chế viên đối với các Sở GD&ĐT theo Nghị định 56/2024/NĐ-CP phải bổ sung tiêu chuẩn pháp chế viên với các ngạch như: Pháp chế viên, pháp chế viên chính, pháp chế viên cao cấp, yêu cầu về trình độ cử nhân luật trở lên, kinh nghiệm từ 2-9 năm tùy vào vị trí”, TS Mai Thị Anh chia sẻ.

TS. Nguyễn Như Hà - Trưởng Khoa Luật Kinh tế Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày báo cáo Công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời khuyến nghị yêu cầu các cơ sở giáo dục Đại học công lập hoàn thiện quy định pháp luật về công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục đại học. Hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa đơn vị làm công tác pháp chế với các đơn vị khác trong nhà trường. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế. Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục đại học

Hoàng Vinh – BÁO MỚI