- content:
Trong những năm gần đây, cơ hội học tập ở bậc đại học của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể nhờ gia tăng thu nhập, tăng số lượng cơ sở đào tạo đại học,và nới lỏng việc tuyển sinh đầu vào đại học. Thực trạng này làm gia tăng cơ hội chọn trường, chọn ngành, chọn chương trình học và cũng làm người học có những lúng túng nhất định khi phải đưa ra quyết định cho việc học đại học của mình. Bài viết này chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, những quan niệm sai lầm thường gặp khi lựa chọn ngành và chọn chương trình đào tạo. Bài viết cũng chia sẻ cách xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển tại Học viện Chính sách và Phát triển như một tình huống minh họa.
Cán bộ, giảng viên, và sinh viên của Khoa Kinh tế Phát triển trong chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh
1. Quan điểm về chương trình đào tại học
Chương trình đào tạo được xem là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động đào tạo của một trường đại học. Nếu như ở các cấp phổ thông, chương trình đào tạo gần như giống nhau ở tất cả các trường công lập, thì chương trình đào tạo có độ khác biệt rõ rệt giữa các trường đại học, kể cả giữa các ngành hay chuyên ngành giống nhau ở các trường khác nhau. Những hoạt động trên giảng đường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nội dung chương trình đào tạo. Một chương trình đào tạo tốt có thể cung cấp động lực để việc giảng dạy và học tập được hiệu quả hơn. Ngược lại, chương trình đào tạo không phù hợp có thể tạo ra những cản trở và ràng buộc khả năng sáng tạo và phát triển của người dạy và người học.
Cách thức xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học phụ thuộc trước hết vào quan điểm về khái niệm chương trình đào tạo. Theo Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia của Mỹ (National Research Council -NRC,1998), chương trình đào tạo là một bản kế hoạch hoạt động bao gồm nội dung đào tạo, các hành động và ứng xử kỳ vọng của giảng viên, các hành động và ứng xử kỳ vọng của sinh viên, các phương tiện để chuyển tải nội dung môn học (giáo trình, các bài tập thực nghiệm, chương trình máy tính, đề kiểm tra, các chiến lược sư phạm), và cấu trúc các hoạt động của giáo viên và sinh viên. Một số tác giả khác cũng có chung quan điểm cho rằng chương trình đào tạo là một quy trình chính thức hoặc không chính thức, trong đó người học học kiến thức hoặc kỹ năng mới (Shariatmadari, 1991), người học đối diện với các vấn đề khác nhau của môi trường (Barani, 2011), người học được cung cấp một chuỗi liên tục các cơ hội học tập (Mehrmohammadi, 2009) để thay đổi thái độ và giá trị của bản thân. Dưới góc nhìn chương trình đào tạo là một chuỗi các cơ hội học tập được cung cấp cho sinh viên, Philip Jackson (1968) cho rằng chương trình đào tạo ở một trường học không chỉ bao gồm chương trình đào tạo chính thức mà còn bao gồm cả chương trình đào tạo ẩn (hidden curriculum). Chương trình đào tạo ẩn đề cập đến các thông điệp được truyền đạt bởi tổ chức và hoạt động của trường học ngoài các tuyên bố chính thức hoặc công khai về sứ mệnh của trường và hướng dẫn chương trình môn học. Thông điệp của chương trình đào tạo ẩn thường liên quan đến thái độ, giá trị, niềm tin và hành vi. Ví dụ, các quy định kỷ luật trong trường học, cách ứng xử giữa giảng viên với sinh viên, cách sắp xếp các môn học và các hoạt động, đều là những ví dụ nổi bật về chương trình đào tạo ẩn. Chương trình đào tạo ẩn tạo ra văn hóa đời sống học đường. Đó là dẫn dắt sinh viên hòa nhập vào một xã hội đầy đủ các đặc điểm đương đại.
Nhìn chung, các nghiên cứu đều thể hiện một quan điểm chung là chương trình đào tạo không chỉ đơn giản là một tập hợp các môn học được trang bị cho sinh viên trong toàn khóa học, mà là một quy trình, hoặc một chuỗi các cơ hội được cung cấp cho sinh viên trong khóa học.
Cán bộ, giảng viên, và sinh viên của Khoa Kinh tế Phát triển trong chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh
2. Cơ sở lý thuyết dùng cho xây dựng chương trình đào tạo
Cách thức xây dựng chương trình đào tạo còn phụ thuộc vào triết lý giáo dục, lý thuyết cơ sở dùng để xây dựng chương trình đào tạo. Việc lựa chọn triết lý giáo dục, lựa chọn lý thuyết cơ sở cho xây dựng chương trình đào tạo phụ thuộc vào quan điểm của từng trường đại học. Bài viết này lấy chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển tại Học viện Chính sách và Phát triển để làm một tình huống minh họa về cách sử dụng lý thuyết cơ sở nhằm định hướng xây dựng chương trình đào tạo.
Ngành Kinh tế Phát triển tại Học viện Chính sách và Phát triển hiện có ba chuyên ngành là Kinh tế Phát triển, Kế hoạch Phát triển, Kinh tế Hợp tác. Cấu trúc chương trình của cả ba chuyên ngành đều gồm các khối môn học bắt buộc và khối môn học lựa chọn. Trong đó, khối môn học bắt buộc gồm các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, ngành, và chuyên ngành. Khối môn học lựa chọn gồm hầu hết các môn học của các chuyên ngành khác trong Học viện, cho phép sinh viên lựa chọn và theo học nhằm đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng. Chương trình được thiết kế để cung cấp cho sinh viên một chuỗi cơ hội học tập và trao đổi gồm: học tập và trao đổi trên giảng đường; tự học để tích lũy và phát triển kiến thức; học tập thực tế qua các học phần thực tế hoặc các chuyến khảo sát; học tập thực tế thông qua các đợt triển khai nghiên cứu hành động (action research - người nghiên cứu và người tham gia cùng thực hiện và trải nghiệm một giải pháp cụ thể để thay đổi tình hình thực tại).
Trả lời lý do lựa chọn cách tiếp cận trên, TS. Bùi Thị Hoàng Mai - phó trưởng khoa - Khoa Kinh tế Phát triển đã có phần chia sẻ sâu sắc về cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo dựa trên một lý thuyết cơ sở nhất định. Theo TS. Bùi Thị Hoàng Mai, khi nghiên cứu để định hướng phát triển chương trình đào tạo các chuyên ngành, Khoa Kinh tế Phát triển không những tham khảo các quy định pháp lý của Việt Nam về xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học, tham khảo chương trình đào tạo các ngành đúng hoặc ngành gần của các trường đại học trong và ngoài nước, mà còn xác định cách tiếp cận để xây dựng chương trình đào tạo dựa trên rà soát các lý thuyết về chương trình đào tạo, về học tập, về các yếu tố tạo nên sự thành công của sinh viên, và các lý thuyết về sáng tạo tri thức. Tiến sĩ Mai cho biết, có nhiều lý thuyết liên quan đến chương trình đào tạo như Lý thuyết chương trình đào tạo (Curriculum theory), lý thuyết về học tập (Learning theory), và nhiều lý thuyết quản trị dựa trên tri thức. Sau rà soát nhiều lý thuyết, nhóm nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo của Khoa đã lựa chọn tư tưởng của Lý thuyết Sáng tạo tri thức của Nonaka (1994) để làm định hướng thiết kế chương trình đào tạo.
Luận điểm cơ bản của Lý thuyết sáng tạo tri thức là:
- Quá trình sáng tạo tri thức là quá trình chuyển hóa không ngừng giữa tri thức ẩn và tri thức hiện. Trong đó, hiểu một cách đơn giản thì tri thức ẩn là những tri thức có tính cá nhân, chưa được trình bày hay hệ thống lại thành tài liệu hay hệ thống thông tin cụ thể để trở thành tri thức cho cộng đồng. Tri thức hiện là tri thức ẩn đã được hệ thống, được trình bày ở các tài liệu hay hệ thống thông tin cụ thể, được cộng đồng tiếp nhận và mài giũa để trở thành tri thức chung của cộng đồng hay rộng hơn là của nhân loại.
- Quá trình chuyển hóa giữa tri thức ẩn và tri thức hiện trải qua bốn công đoạn:
1 – Chuyển đổi từ tri thức ẩn thành tri thức ẩn (Giao lưu xã hội – socialization): Đây là giai đoạn các cá nhân chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của họ cho bạn bè, nhóm, hoặc cho cộng đồng. Ở giai đoạn này, các cá nhân chuyển đổi tri thức ẩn thành tri thức ẩn, chưa được hệ thống hóa.
2 – Chuyển đổi từ tri thức ẩn thành tri thức hiện (Ngoại hóa – externalization): Đây là giai đoạn tri thức ẩn được chia sẻ nhiều trong cộng đồng và được hệ thống hóa, biến đổi thành tri thức chung, được lưu lại dưới dạng các tài liệu, công thức, mô hình, trở thành tri thức hiện.
3 – Chuyển đổi từ tri thức hiện sang tri thức hiện (Kết hợp – combination): Các tri thức hiện được kết hợp với nhau để trở thành một hệ thống kiến thức phức tạp hơn, trở nên phổ biến hơn trong xã hội.
4 – Chuyển đổi từ tri thức hiện thành tri thức ẩn (Nội hóa – internalization): Các cá nhân tiếp thu tri thức hiện trong xã hội hay trong tổ chức để trở thành tri thức ẩn của riêng mình.
Cán bộ, giảng viên, và sinh viên của Khoa Kinh tế Phát triển trong chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh
Quá trình chuyển đổi liên tục giữa tri thức ẩn và tri thức hiện sẽ làm giàu lượng tri thức của cá nhân, tổ chức, và toàn xã hội. Điều kiện để quá trình này diễn ra liên tục là sự đa dạng về kiến thức, kĩ năng, một môi trường dân chủ và tin tưởng, và cơ hội tương tác.
Với các luận điểm cơ bản trên, hướng áp dụng lý thuyết sáng tạo tri thức vào xây dựng chương trình đào tạo tại Khoa Kinh tế Phát triển - Học viện Chính sách và Phát triển là: Coi việc người học và người dạy tham gia trong một chương trình đào tạo là một quá trình sáng tạo tri thức, không phải là một quá trình truyền đạt kiến thức một chiều từ người dạy đến người học. Theo cách tiếp cận này, nếu sinh viên chỉ tiếp thu kiến thức thông qua nghe giảng và ghi chép ở trên lớp thì sinh viên chỉ thu được tri thức ẩn. Sinh viên và sinh viên, sinh viên và giảng viên, sinh viên và cộng đồng trong và ngoài cơ sở đào tạo cần được tạo nhiều cơ hội trao đổi, thực hành, trải nghiệm thực tiễn để tạo ra quá trình chuyển hóa liên tục giữa tri thức ẩn và tri thức hiện, từ đó thúc đẩy quá trình sáng tạo tri thức. Ví dụ, sinh viên có cơ hội tham gia cùng thực hiện các nghiên cứu có giảng viên hướng dẫn đồng hành, sinh viên tham gia các dự án cùng giảng viên, sinh viên có bài tập nhóm, các câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học sinh viên để cùng nhau trao đổi và học hỏi. Theo cách tiếp cận đó, chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển được thiết kế có phân bổ thời lượng học thành các tiết lý thuyết, bài tập thực hành cá nhân, bài tập nhóm, bài tập thuyết trình, bài tập tự học và trải nghiệm trong từng môn học. Chương trình đào tạo của ngành được thiết kế để người học có cơ hội tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động thực tiễn, các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể, các chuyến thực địa. Người học có thời gian tự học, tự thực hành, tự trải nghiệm để biến kiến thức được học thành kiến thức của mình. Cách thiết kế này giúp cho quá trình giao lưu xã hội, ngoại hóa, kết hợp và nội hóa được thực hiện liên tục.
Nhìn chung, việc vận dụng lý thuyết sáng tạo tri thức giúp cho từng quy trình chi tiết khi thực hiện chương trình đào tạo của ngành Kinh tế Phát triển tại Học viện đều hướng tới vòng chuyển hóa không ngừng giữa tri thức ẩn và tri thức hiện. Vì vậy, chương trình nhấn mạnh quá trình trao đổi, cá nhân học hỏi, tiếp thu kiến thức, biến kiến thức từ bên ngoài thành kiến thức của mình, hình thành logic giữa các khối kiến thức thu được, vận dụng kiến thức, rồi sáng tạo tri thức mới từ kiến thức vận dụng được đó.
Để thống nhất tư tưởng và cách thức thực hiện chương trình đào tạo, nhóm nghiên cứu của khoa cũng đã chỉ ra những quan điểm cùng chiều và những quan điểm ngược chiều với lý thuyết sáng tạo tri thức như được trình bày ở Bảng 1 dưới đây. Theo bảng này, nhóm nghiên cứu đã cố gắng thiết kế việc thực hiện chương trình đào tạo theo những quan điểm cùng chiều với lý thuyết sáng tạo tri thức.
Bảng 1: Liên hệ giữa các luận điểm của Lý thuyết sáng tạo tri thức và nội dung chương trình đào tạo
3. Xác định các trụ cột năng lực cần thiết cho người học
TS. Mai cũng chia sẻ quan điểm rằng trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, rất khó để đào tạo người học theo một công việc hay nghề nghiệp cụ thể, càng không thể xác định người học làm một nghề/một công việc cả đời. Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã xóa bỏ hoặc thay đổi nhiều ngành đã từng rất thịnh vượng trong một giai đoạn nào đó. Vì vậy, nếu chỉ tập trung đào tạo vào các nghiệp vụ cụ thể, người học có thể sẽ gặp rủi ro rất lớn trước sự thay đổi của xã hội nếu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp. Những sai lầm thường gặp là coi đào tạo đại học giống như đào tạo nghề, chương trình đào tạo hướng tới thực hành, cầm tay chỉ việc quá nhiều, với mong muốn người học khi ra trường sẽ thành thạo một vài nghiệp vụ cụ thể. Cách tiếp cận này khiến người học có thể cảm thấy yên tâm vì thấy mình “biết làm” một vài công việc cụ thể đang “hot” và cảm thấy sẵn sàng khi ra trường, nhưng sẽ khó cho người học khi chuyển đổi nghề nghiệp hoặc phát triển bản thân, bởi lẽ càng lên cao tầm nhìn phải càng rộng, kiến thức phải càng đa dạng. Với lập luận này, TS. Mai cho rằng các chương trình đào tạo không nên tiếp cận chỉ từ góc độ nghề nghiệp, mà cần bổ sung cách tiếp cận theo hướng xác định các trụ cột năng lực cần đào tạo, cung cấp chuỗi cơ hội học tập đa dạng, đồng thời xây dựng khả năng sáng tạo tri thức liên tục cho người học, thì mới có thể thích nghi với sự thay đổi rất nhanh của xã hội.
Khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển - Học viện Chính sách và Phát triển, nhóm nghiên cứu đã rà soát và tham khảo các mô hình năng lực, và lựa chọn xây dựng chương trình đào tạo theo hướng xác định các năng lực chủ chốt. Một trong những mô hình được nhóm quan tâm tham khảo là Mô hình năng lực chủ chốt của Barani (và cộng sự, 2011). Theo mô hình này, sinh viên cần được trang bị sáu năng lực chủ chốt là: (1) Đa kỹ năng (Multi-literacies); (2) Giải quyết vấn đề (Problem solving); (3) Sáng tạo (Creativity); (4) Tham gia cộng đồng (Community participation); (5) Tự quản lý (Self - Management); (6) Kiến thức về bản thân, người khác và môi trường (Knowledge of self, others, and environment).
TS. Mai chia sẻ: “Câu hỏi mà chúng tôi băn khoăn hơn cả là ngoài trang bị kiến thức của ngành kinh tế phát triển, làm thế nào để sinh viên có thể phát triển tốt cả sáu năng lực này sau khi tham gia chương trình đào tạo của chúng tôi?”. Bằng nhiều nghiên cứu và rà soát khác, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng chương trình đào tạo cần đạt được ba yêu cầu mấu chốt. Thứ nhất, về kiến thức, cần cung cấp các cơ hội học tập liên quan đến các trụ cột: kiến thức lý thuyết; công cụ tư duy; công cụ nghiên cứu. Cần coi trọng và làm rõ các khái niệm, các quy luật, các cấu trúc, các vấn đề có tính bản chất của sự vật hiện tượng, và logic giữa các vấn đề. Đặc biệt, các triết lý đằng sau các lý thuyết cần được nhấn mạnh và cần có cơ hội để sinh viên đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên. Thứ hai, về kỹ năng, cần cung cấp cho sinh viên các cơ hội học tập liên quan đến kỹ năng xử lý thông tin và dữ liệu; kỹ năng tự quản lý; kỹ năng tham gia cộng đồng. Để làm được điều này, các môn học trong chương trình đào tạo đều chú trọng việc sinh viên thu thập và xử lý dữ liệu thực tế, gồm dữ liệu định tính, dữ liệu định lượng, và cả dữ liệu lớn (với những bạn thích chuyên sâu hơn về dữ liệu). “Sinh viên của chúng tôi thường mang theo máy vi tính đến lớp để thu thập và xử lý dữ liệu thực tế được download từ các website, không phải dữ liệu mô phỏng. Sinh viên cũng được yêu cầu thực hiện các nghiên cứu với dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn, thảo luận nhóm, thâm nhập thực tế, khảo sát. Qua bài giảng, bài đọc, bài tập, các tình huống thực tiễn, chúng tôi cũng lồng ghép những cơ hội để sinh viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ, rèn luyện sử dụng ngoại ngữ và tin học. Việc tham gia kiến tập, tham gia các hoạt động cộng đồng trong và ngoài Học viện cũng là cách để thúc đẩy sinh viên tham gia các kỹ năng tự quản lý và kỹ năng tham gia cộng đồng. Sinh viên có cơ hội tham gia làm thành viên của các hợp tác xã có tính cộng đồng cao, cũng có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động tập thể trong và ngoài trường học, từ đó nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng. Tất nhiên là có rất nhiều bạn chọn cách làm thêm ở các công ty hoặc tự kinh doanh. Điều này cũng rất tốt để các em tự quản lý bản thân và thâm nhập cộng đồng” - TS. Mai cho biết. Cuối cùng, cần cung cấp cơ hội để sinh viên có thể phát triển đa kỹ năng và sáng tạo. Để có thể phát triển đa kỹ năng và sáng tạo, sinh viên theo học chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển được khuyến khích tự hiểu bản thân và nhận thức được giá trị cốt lõi của bản thân. Việc nhận thức được giá trị cốt lõi của bản thân giúp sinh viên tự tin theo đuổi và phát triển những đam mê, đồng thời, sẵn sàng nhập cuộc với những cơ hội trong và ngoài chuyên ngành đào tạo. Chương trình cũng cung cấp cho sinh viên cơ hội tối đa được lựa chọn học tập tất cả những môn học của những chuyên ngành khác trong Học viện. Vì vậy, sinh viên ngành Kinh tế Phát triển không những có kiến thức chuyên sâu về kinh tế phát triển, hay kế hoạch phát triển, hay kinh tế hợp tác, mà còn có cơ hội học các môn học khác như marketing, kế toán, logistics, thương mại quốc tế, ngân hàng, tài chính, luật,..., hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của các em. Qua tìm hiểu ở nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới, cũng như tham khảo các quan điểm về đổi mới sáng tạo, nhóm xây dựng chương trình đào tạo nhận thấy có một cách nhìn chung rằng đổi mới sáng tạo khó có thể xảy ra nếu người lao động chỉ được đào tạo những chuyên ngành hẹp. Đổi mới sáng tạo đòi hỏi kiến thức liên ngành. Người sáng tạo ra Facebook hay Google chắc chắn không thể chỉ có mỗi kiến thức chuyên sâu về tin học. Người xây dựng phương pháp phân tích cân đối liên ngành không thể chỉ có mỗi kiến thức về toán, mà còn hiểu sâu về kinh tế, mặc dù ông là nhà toán học. “Chúng tôi khuyến khích sinh viên tận dụng tất cả mọi cơ hội để đa dạng hóa kỹ năng. Tất nhiên, chúng tôi - với tư cách là khoa chuyên ngành - cố gắng trang bị đầy đủ kiến thức chuyên sâu về các chuyên ngành của ngành kinh tế phát triển” - TS. Mai cho biết.
4. Xác định quan điểm về “làm việc đúng ngành đào tạo”
TS. Mai cũng chia sẻ rằng, có rất nhiều phụ huynh, các em học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba, hỏi rất nhiều về việc học ngành Kinh tế Phát triển ra trường làm việc gì, cơ hội làm việc đúng ngành có nhiều không. Đây là câu hỏi phức tạp nhất. Thứ nhất, mặc dù sinh viên sẽ học chuyên sâu theo một trong các chuyên ngành Kinh tế Phát triển, Kế hoạch Phát triển, Kinh tế Hợp tác, nhưng sinh viên còn được cung cấp rất nhiều cơ hội học tập khác. Kiến thức chuyên sâu của các chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế Phát triển sẽ giúp các em nâng cao năng lực lý thuyết, năng lực triết lý, năng lực phân tích dữ liệu và thông tin, năng lực phán đoán và dự báo, năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch, năng lực thấu cảm, năng lực thích ứng với môi trường. Nhờ đó, các em nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, biết cách xác định những yếu tố cốt lõi cần có để đạt được một mục tiêu nhất định. Khả năng này sẽ giúp các em tăng cơ hội thành công. Với kiến thức chuyên sâu của các chuyên ngành, các em có thể tham gia làm việc ở các bộ, sở, ban, ngành về xây dựng chính sách, các công ty nghiên cứu thị trường, các bộ phận nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô của các ngân hàng, công ty hay tập đoàn lớn, hoặc xây dựng các cơ sở kinh tế hợp tác để kinh doanh và phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên sâu, các em còn rất nhiều cơ hội học tập khác ở tập hợp lựa chọn (chiếm 27/130 tín chỉ) của chương trình đào tạo. Nhiều bạn tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển nhưng đã làm chuyên sâu ở mảng marketing, chứng khoán, ngân hàng, logistics, và nhiều bạn đã tự mở doanh nghiệp và kinh doanh thành công. Điều này có được một phần nhờ tố chất, “cái duyên”, và một phần nhờ tính đa ngành và liên ngành của chương trình đào tạo. Cũng vậy, câu hỏi “công việc có đúng ngành hay không” thật khó để trả lời. Nếu nói đúng ngành là phải đúng công việc nào đó của lĩnh vực kinh tế phát triển thì mới chỉ đúng 2/3 nội dung đào tạo. Nhưng nếu định nghĩa “làm việc đúng ngành là làm việc phù hợp với nội dung đào tạo”, tức là sinh viên làm một công việc mà họ đã từng được học khi tham gia chương trình đào tạo, thì việc sinh viên được cung cấp đa dạng cơ hội học tập ở nhiều mảng khác nhau sẽ cho phép sinh viên có tập hợp công việc “đúng ngành” lớn hơn nhiều. Các sinh viên đã tốt nghiệp ngành Kinh tế Phát triển của Học viện đều phản hồi rằng vì ở trường đã học kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực, nên khi ra trường, chúng em tự tin thử sức ở nhiều lĩnh vực mà không cảm thấy bị trái ngành. Chúng em cũng có kiến thức tổng hợp hơn, nên dễ thích nghi và bao quát công việc tốt hơn. Việc được học nhiều học thuyết, nguyên lý giúp chúng em nhanh chóng xác định các yếu tố cần có để đạt được một mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, năng lực phân tích dữ liệu và dự báo, các kiến thức về phát triển bền vững và phát triển cộng độngcũng giúp chúng em chọn hướng giải quyết các vấn đề có tính bền vững hơn và dễ được lòng người hơn.
Như vậy, các sĩ tử không những cần chọn ngành, chọn trường, mà còn cần phải xem xét kỹ chương trình đào tạo. Các sĩ tử nên chọn những chương trình đào tạo có tính mở cao, cung cấp cơ hội học tập đa dạng, có tính thúc đẩy việc sáng tạo tri thức. Người học không nên chọn những chương trình quá chuyên sâu vào một vài nghiệp vụ cụ thể, vì các nghiệp vụ cụ thể sinh viên sẽ học tại nơi làm việc và các kỹ thuật nghiệp vụ có thể thay đổi liên tục do sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội. Lời khuyên mà TS. Bùi Thị Hoàng Mai dành cho các sĩ tử là: “Đào tạo đại học không phải là đào tạo nghề. Các em cần xác định rằng việc các em đi học đại học trước hết là để tăng thêm các năng lực chủ chốt, giúp các em thay đổi thay đổi thái độ và giá trị bản thân, dễ dàng thích ứng và thành công khi gia nhập thị trường lao động. Vì vậy, các em cần suy nghĩ kỹ, xác định giá trị cốt lõi của mình, chọn ngành, chọn chương trình đào tạo, chọn trường phù hợp. Và hãy luôn nhớ lựa chọn những chương trình đào tạo cung cấp đa dạng cơ hội học tập và phát triển bản thân”.
Nguồn: Khoa Kinh tế phát triển