null Khoa Kinh tế số tiên phong hoàn thành đề án rà soát 2 chương trình đào tạo

content:

Ngày 03/8/2023 vừa qua, Khoa Kinh tế số đã tiên phong bảo vệ thành công Đề án Rà soát hai chương trình đào tạo trước Hội đồng thẩm định cho hai chuyên ngành của khoa là: Chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh và Chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh số.

Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo (CTĐT) do PGS, TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển làm Chủ tịch hội đồng. Ngoài ra, tham gia Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia độc lập là TS. Phan Thanh Tùng - Trưởng khoa Khoa Toán kinh tế, Trường Đại học Thương mại; ThS. Hoàng Hữu Sơn - Giảng viên Khoa HTTT, Học viện Tài chính; TS. Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển – Uỷ viên; ThS. Trần Thị Hương Trà - Giảng viên Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển – Uỷ viên, thư ký hội đồng.

 Toàn cảnh Hội đồng thẩm định rà soát 2 CTĐT

Tại buổi làm việc, Hội đồng đã được lắng nghe TS Nguyễn Hữu Xuân Trường – Phó trưởng Bộ môn Công nghệ và Kinh doanh số trình bày toàn bộ nội dung CTĐT và Chuẩn đầu ra của Chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh; TS. Đàm Thanh Tú  – trình bày toàn bộ nội dung CTĐT và Chuẩn đầu ra của Chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh số.

Mỗi CTĐT với khối lượng 130 tín chỉ trong đó kiến thức đại cương chiếm 41 tín chỉ, kiến thức chuyên ngành chiếm 89 tín chỉ; thời gian đào tạo từ 3,5 đến 4 năm.

Đối với Chuyên ngành Phân tích dữ liệu lớn kinh tế và kinh doanh mục tiêu là đào tạo cử nhân có kiến thức cơ bản kinh tế và kinh doanh; hiểu được sự vận động của nền kinh tế và các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về công nghệ tài chính và các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số; kiến thức chuyên sâu về việc sử dụng công cụ quản trị và phân tích dữ liệu lớn như SQL Server, Spark, Tableau, Power BI, Python, R,...

Đối với chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh số, mục tiêu đào tạo là đào tạo cho người học những kiến thức cơ bản về dữ liệu lớn, công nghệ thông tin và quản lý kinh tế, nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số của các tổ chức và doanh nghiệp trong thời đại số; các kiến thức chuyên sâu về kinh doanh và thương mại dựa trên nền tảng số; marketing số, an toàn và bảo mật dữ liệu, mạng máy tính và truyền thông trong nền kinh tế số…

Đặc biệt, một điểm khác biệt rất nổi bật trong CTĐT Chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh số đó là nhóm nghiên cứu đã có sự mô tả một cách chi tiết về vị trí việc làm và nơi làm việc của sinh viên cụ thể là sau khi tốt nghiệp, hay khi đã có 5 – 10 năm kinh nghiệm. Hiện nay câu hỏi không chỉ của các em sinh viên mà cả các bậc phụ huynh rất quan tâm là: Học ngành đó sau ra trường thì làm nghề gì? Vì vậy việc mô tả chi tiết vị trí việc làm cho sinh viên trong từng giai đoạn của trong CTĐT này thực sự có ý nghĩa rất lớn, giúp cho các em sinh viên định hướng rõ ràng con đường sự nghiệp của mình trong tương lai.

Đáng lưu ý trong phần trình bày của mình, TS. Đàm Thanh Tú cho biết nhóm nghiên cứu đã đưa vào trong phần tài liệu tham khảo và giáo trình môn học của một số môn chuyên ngành các tài liệu bằng tiếng Anh với mục tiêu từng bước giúp người học tiếp cận nhanh chóng với nhiều nguồn tài liệu, không bị bó hẹp trong giáo trình bằng tiếng Việt truyền thống, có kĩ năng đọc tài liệu, nghiên cứu tài liệu của nước ngoài. Điều này được Hội đồng thẩm định đánh giá là thực sự cần thiết trong thời đại số hiện nay.

TS. Đàm Thanh Tú trong cuộc họp thẩm định

Các thành viên hội đồng đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho chương trình, đặc biệt các phản biện là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và giảng dạy đã đưa ra các lưu ý để nội dung cũng như kết cấu chương trình đào tạo sát với thực tế, đảm bảo được nhu cầu của nhiệm vụ đang triển khai. Bên cạnh đó, các thành viên trong hai nhóm nghiên cứu đã lần lượt trao đổi, đưa ra các lý giải cho một số vấn đề trong quan điểm, mục tiêu khi xây dựng CTĐT, được Hội đồng thẩm định nhất trí cao
                                                ThS. Hoàng Hữu Sơn – Phản biện 1

                                                      TS. Phan Thanh Tùng – Phản biện 2

Trong phần phản biện của mình, TS. Phan Thanh Tùng cũng chia sẻ: Thông qua việc tham gia rà soát 2 chương trình đào tạo này, bản thân ông cũng đã có những tham khảo nhất định cho chương trình đạo tạo ngành Kinh tế số  của khoa Toán – trường Đại học Thương Mại, nơi ông đang công tác.

Đối với sự phân bổ của các học phần bắt buộc và tự chọn, TS Nguyễn Thị Đông - Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo có những lưu ý: Việc sắp xếp các môn học thuộc nhóm nào? Tự chọn hay bắt buộc? cần đảm bảo phù hợp với tính chất, đặc thù của Học viện.

                                 TS. Nguyễn Thị Đông trong cuộc họp thẩm định

Tất cả ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong Hội đồng đã được các nhóm nghiên cứu tiếp thu và đang nhanh chóng hoàn thiện hai CTĐT. Rất mong rằng với sự nỗ lực của các nhóm nghiên cứu, hai chương trình đào tạo sẽ sớm được phê duyệt, đây sẽ là dấu mốc thực sự có ý nghĩa đối với sinh viên K14 của Khoa Kinh tế số – Khóa sinh viên đầu tiên được tiếp cận hai CTĐT chất lượng này.


Một số hình ảnh của cuộc họp thẩm định:

               ​​​Hội đồng thẩm định cùng toàn thể giảng viên Khoa Kinh tế số chụp ảnh lưu niệm

TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường trình bày về CTĐT CN Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh 

                     ThS. Nguyễn Sĩ Thiệu lý giải một số vấn đề trong tư tưởng xây dựng CTĐT

                 ThS. Trần Thị Hương Trà chia sẻ về việc giảng dạy các môn học chuyên ngành