- content:
NGHIỆM THU ĐỀ TÀI CẤP QUỐC GIA “LUẬN CỨ KHOA HỌC CHO VIỆC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ”
Ngày 09/06/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hôi đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp quốc gia “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt Nam” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội” mã số: KX01/16-20 do Học viện Chính sách và Phát triển chủ trì. Đề tài do nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tiến hành dưới sự chủ trì của PGS.TS. Đào Văn Hùng – Giám đốc Học viện.
Ảnh: Chị Đào Thị Thu Thủy, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ,
đọc Quyết định thành lập hội đồng
Sau khi đại diện Bộ KH&CN đọc Quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài, TS. Đào Hoàng Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày những nội dung chính của đề tài. Đề tài chỉ ra rằng đây là một công trình khoa học cấp thiết, khi thực trạng của hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn dựa quá nhiều vào các Ngân hàng thương mại và thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn kém phát triển. Trong khi đó, thị trường nợ (bao gồm cả thị trường nợ xấu và nợ hữu hiệu) của các Ngân hàng thương mại còn kém phát triển. Đây là rủi ro hệ thống tiềm tàng cho nền kinh tế Việt Nam, bởi nếu xảy ra khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng thì các doanh nghiệp không có kênh huy động vốn thứ hai là thị trường trái phiếu.
Ảnh: TS. Đào Hoàng Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu và GS. TS. Nguyễn Công Nghiệp (ngoài cùng bên phải) đọc nhận xét của phản biện.
GS. TS. Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, đặc biệt ở các đề xuất, kiến nghị nhằm phát triển thị trường mua bán nợ có tính thực tiễn cao. GS. TS. Nguyễn Công Nghiệp cũng chỉ ra rằng đề tài cần làm sâu sắc hơn nữa luận cứ khoa học về việc hình thành và phát triển thị trường, giống như tên gọi của đề tài.
PGS. TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính, đánh giá cao việc các sản phẩm của đề tài vượt 01 bài báo quốc tế so với đăng ký trong thuyết minh. PGS. TS. Nguyễn Trọng Cơ cho rằng đề tài cần rà soát giới hạn và phạm vi nghiên cứu để loại bỏ các nội dung trùng lặp.
PGS. TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, cho rằng đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu. Các đề xuất, kiến nghị là hay có có ý nghĩa thực tiễn, tuy nhiên cũng cần hướng đến những địa chỉ cụ thể. Bên cạnh đó, các ủy viên phản biện và các thành viên khác của hội đồng cũng nêu lên những nhận xét góp ý để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Đề tài.
Ảnh: GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch hội đồng, thông báo kết quả bỏ phiếu của hội đồng.
Ảnh: PGS. TS. Đào Văn Hùng, chủ nhiệm đề tài, trả lời và
làm rõ các câu hỏi của các thành viên hội đồng.
Hội đồng nhất trí thông qua Đề tài với 100% số phiếu tán thành và đề xuất nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Đề tài làm cơ sở tham mưu cho lãnh đạo các Bộ và Chính phủ trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam.