null Tổ chức thành công Tọa đàm khoa học: Khởi nghiệp và Kinh doanh bền vững – Phương pháp giáo dục khởi nghiệp kinh doanh của Đan Mạch và bài học cho Việt Nam

content:

Vào chiều ngày 03/07/2023, trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện Chính sách và Phát triển với các doanh nghiệp, đối tác, các tổ chức trong và ngoài nước; Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp dự án Global Pathways, SJ Việt Nam, InterCollege Đan Mạch đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học cấp Học viện với chủ đề “Khởi nghiệp và kinh doanh bền vững: Phương pháp giáo dục khởi nghiệp kinh doanh của Đan Mạch và bài học cho Việt Nam” tại Hội trường 150, nhà A, Học viện Chính sách và Phát triển, Khu đô thị Nam An Khánh, An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.

Toàn cảnh Tọa đàm khoa học

Tham dự buổi Tọa đàm, về phía khách mời có sự tham gia của: Ông Asser Mortensen - Nhà sáng lập InterCollege, Đan Mạch; TS. Đỗ Thị Phúc - Giám đốc SJ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Mỹ Anh - Chuyên viên, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Phạm Vũ Thắng – Phó viện trưởng, Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Hạnh – Nhà báo, Thông tấn xã Việt Nam cùng các điều phối viên của SJ Việt Nam.

Về phía Học viện, dự Tọa đàm, có sự tham gia của: TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Học viện; TS. Vũ Thị Minh Luận – Trưởng khoa, Khoa Quản trị kinh doanh; Ông Ngô Xuân Khoa - Phụ trách phòng Quản lý khoa học và hợp tác; Ông Đỗ Thế Dương – Phụ trách Trung tâm CNTT, TV và Truyền thông cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, cán bộ, giảng viên đại diện cho các Phòng, Trung tâm và Khoa chuyên ngành trong Học viện và hơn 70 sinh viên khoa Quản trị kinh doanh.

TS. Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Tọa đàm

  

 

Hình ảnh các đại biểu tham dự tọa đàm

Đối với Việt Nam, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là nhiệm vụ thiết yếu của hệ thống doanh nghiệp, cùng với đó là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kinh doanh bền vững… sẽ tạo nên bức tranh đầy hứa hẹn để phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp của Việt Nam. Các mô hình phát triển bền vững như CSV, SIB, ESG và 3P dường như đang trở thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp ở Việt Nam, và ngày càng được nhân rộng. Trong đó, giáo dục khởi nghiệp được công nhận là một công cụ thiết yếu trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp cần phải đi đôi với kinh doanh bền vững để không gây ra những tổn hại cho môi trường và xã hội.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Thị Minh Luận nhấn mạnh tầm quan trọng của khởi nghiệp và kinh doanh bền vững và cho rằng, buổi Tọa đàm khoa học là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến, chia sẻ hiểu biết về kiến thức, quan điểm, phương pháp về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kinh doanh bền vững cũng như cách thức hoạt động kinh doanh hiệu quả và đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Trình bày tại Tọa đàm, Ông Asser Mortensen – Nhà sáng lập InterCollege Đan Mạch nhận định các mô hình kinh doanh bền vững đã nổi lên như một cách tiếp cận quan trọng để giải quyết những thách thức đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung. Kinh doanh bền vững là một khái niệm kết hợp sự đổi mới, sự nhạy bén trong kinh doanh và quản lý môi trường, từ đó tạo ra tác động tích cực đến xã hội và hành tinh của chúng ta. Các hoạt động kinh doanh bền vững được coi là một hành động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thậm chí là một hành động hầu như chỉ để quảng cáo cho các công ty thương mại. Ông Asser Mortensen cũng cho biết, hiện nay chính sách “không gây hại” đã trở thành xu hướng chủ đạo trong kinh doanh theo tiêu chuẩn của châu Âu (EU); các doanh nghiệp kinh doanh bền vững đã dành nguồn lực để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức cấp bách về môi trường đồng thời tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội.

Ông Asser Mortensen trình bày tại Tọa đàm

Hầu hết các doanh nhân đang tận dụng những tiến bộ trong công nghệ để phát triển các giải pháp đột phá. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo và máy học (machine learning) đang được sử dụng nhằm tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và phân bổ tài nguyên. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ, các doanh nhân đang cách mạng hóa các ngành công nghiệp và tạo chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trên quy mô toàn cầu.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Asser Mortensen nhận định không có một công thức nào có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng ý tưởng và cơ hội có thể. Hai điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là phát triển bền vững là mạng lưới hoạt động, mối quan hệ trước quá trình khởi nghiệp và sau đó mở rộng thêm trong quá trình kinh doanh; kiến thức nền tảng và kiến thức chung.

Ông Asser Mortensen cũng chia sẻ Dự án Global Pathways đã đào tạo và cùng các doanh nhân trẻ xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên tư duy bền vững và khát khao trở thành những người chiến thắng trong quá trình chuyển đổi xanh trên thế giới. Trên cơ sở đó, dự án đã tổng hợp và công bố cuốn sách “Sustainable Entreprenuership” và được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Khởi nghiệp kinh doanh bền vững.” Cuốn sách nhằm cung cấp những công cụ, phương pháp tư duy sáng tạo về khởi nghiệp kinh doanh đúc rút từ kinh nghiệm của những doanh nhân và những nhà nghiên cứu trẻ.

Trình bày tham luận tại Tọa đàm, TS. Vũ Thị Minh Luận cho rằng, giáo dục và đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong khởi nghiệp, sản xuất và kinh doanh bền vững; đồng thời chỉ rõ thực trạng giáo dục và đào tạo khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Sau khi làm rõ sự khác nhau giữa “giáo dục khởi nghiệp” và “đào tạo khởi nghiệp”, TS. Vũ Thị Minh Luận đã đề xuất một số gợi ý nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững bằng giáo dục và đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững tại các trường đại học của Việt Nam.

 TS. Vũ Thị Minh Luận trình bày tham luận tại Tọa đàm

Sau khi TS. Đỗ Thị Phúc – Giám đốc SJ Việt Nam giới thiệu phương pháp “Waste Gold” trong việc lên ý tưởng mô hình kinh doanh sáng tạo từ các phế phẩm, hơn 70 sinh viên được phân thành 6 nhóm dưới sự hướng dẫn của các điều phối viên từ SJ Việt Nam đã trao đổi, thảo luận và lên ý tưởng cho mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo của mình với nguyên liệu đầu vào được bốc thăm từ 1 trong 6 chủ đề: vỏ chai (nhựa, thủy tinh); túi nilon; phế phẩm từ ngành đóng gói, vận chuyển (thùng carton, tấm pallet cũ…); bã mía; bã cà phê và lốp xe cũ.

TS. Đỗ Thị Phúc chia sẻ tại Tọa đàm

b

 

 

 
           

Một số hình ảnh thảo luận nhóm của sinh viên tại Tọa đàm

Sau 30 phút thảo luận, bằng kỹ thuật “elevator pitching speech” trước Ban giám khảo, Giải Nhất cho ý tưởng mô hình kinh doanh sáng tạo thuộc về nhóm với ý tưởng tái chế bìa carton thành sản phẩm nội thất thông minh.

  

Ông Asser Mortensen trao phần thưởng cho nhóm đạt Giải nhất cho ý tưởng mô hình kinh doanh sáng tạo từ phế phẩm

Kết luận buổi Tọa đàm, ông Asser Mortensen đánh giá cao những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của 6 nhóm sinh viên khoa Quản trị kinh doanh. Ông Asser Mortensen nhấn mạnh rằng, các bạn trẻ hãy sử dụng thời gian trong ghế nhà trường để tìm hiểu kiến thức chuyên sâu, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trước tiên phải tự tin vào chính bản thân và có đủ động lực để phát triển ý tưởng của mình. Để khởi nghiệp, các bạn trẻ nên tìm hiểu xu hướng, quy chuẩn đạo đức và khả năng có thể đáp ứng và vươn tới những tiêu chí đó. Ông Asser Mortensen cũng khẳng định buổi Tọa đàm cũng mở ra những hướng hợp tác trong tương lai giữa Global Pathways, InterCollege Đan Mạch và Học viện Chính sách và Phát triển trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm

                                                                                            Tin bài: Khoa Quản trị kinh doanh

                                                                                             Ảnh: TTTT, TV&TT