null HỘI THẢO “ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM: TRIỂN VỌNG VÀ THÁCH THỨC”

content:

Ngày 27/9/2024, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức chương trình hội thảo “Thị trường tài chính Việt Nam: Triển vọng và thách thức”. Hội thảo được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, phục vụ công tác xây dựng báo cáo Tài chính - kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2024 và triển vọng 2025 (tài liệu phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024) sẽ được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia gửi cho Quốc hội và Chính phủ dự kiến trong tháng 10.

PGS. TS. Đào Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế cùng Nghiên cứu sinh Trương Phan Kiều Oanh, Nguyễn Thị Quỳnh Nhi là khách mời của hội thảo.

Ảnh: Lãnh đạo Ban Nghiên cứu và Điều phối giám sát, Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia và PGS.TS Đào Hoàng Tuấn cùng NCS Tài chính – Ngân hàng Khóa 1, Học viện Chính sách và Phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó trưởng Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát - Ủy ban giám sát tài chính quốc gia  - chia sẻ khái quát tình hình tài chính - kinh tế của Việt Nam trong 09 tháng đầu năm 2024. Trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế của thế giới theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chậm, vẫn còn lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới thì kinh tế của Việt Nam vẫn có những điểm sáng như: xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ, sản xuất duy trì được đà tăng trưởng thể hiện qua chỉ số PMI đạt 52,4 điểm (trong tháng 8/2024).

Ảnh: Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó trưởng Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát - Ủy ban giám sát tài chính quốc gia

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 dự báo đạt mức 3,2%, lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương EU, Mỹ giảm sẽ tác động tích cực đến phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh báo cáo số liệu về mức bội chi ngân sách của Việt Nam năm 2023 là 0,7% GDP, năm 2024 là 0,8% GDP. Từ năm 2022 đến 08 tháng đầu năm 2024, tổng mức hỗ trợ từ NSNN cho nền kinh tế (gồm số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn giảm) rất lớn (618.500 tỷ đồng). Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN để tránh thất thu thuế.

PGS.TS. Đào Hoàng Tuấn - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế - Học viện Chính sách và Phát triển điểm qua một số nét của thị trường vốn. Trong giai đoạn 2022-2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đi vào quỹ đạo phát triển tốt hơn, với dấu ấn là sự hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung với gần 1 nghìn mã trái phiếu đăng ký giao dịch với giá trị giao dịch hàng ngày khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô của thị trường chưa quay lại được mức năm 2021 do nhiều nguyên nhân: i. Chính sách tiền tệ ở rộng của Ngân hàng nhà nước, lãi suất cho vay thấp khiến động lực phát hành trái phiếu của doanh nghiệp giảm đi; ii. Các quy định, luật định yêu cầu một số quỹ, như quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cũng hạn chế dòng vốn dành cho trái phiếu doanh nghiệp; iii. Hàng hóa trên thị trường chưa đa dạng, và không có nhiều hàng hóa chất lượng tốt trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh: PGS.TS. Đào Hoàng Tuấn - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế - Học viện Chính sách và Phát triển

Bên cạnh các bài tham luận, Hội thảo còn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến từ Ủy ban kinh tế - Quốc hội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… Hội thảo là cơ hội để các học viên Nghiên cứu sinh ngành Tài chính – Ngân hàng có dịp tiếp xúc với các chuyên gia và tham gia thảo luận chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Định hướng nghiên cứu tập trung vào Chính sách trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng là điểm khác biệt nổi bật của Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển.